Với tâm lý của bậc làm cha mẹ, trẻ sơ sinh vừa ra khỏi bụng mẹ chưa lâu nên chưa thể thích nghi với môi trường tự nhiên. Thêm vào đó, cơ thể non nớt, chưa được hoàn thiện thì sức chịu đựng còn rất kém, Do đó, họ luôn tìm mọi cách để bao bọc, giữ ấm cho con như mặc áo quần dài, đeo vớ, bao tay, đội mũ, quấn khăn…
Khi trẻ có biểu hiện bệnh như ho, nghẹt mũi, bản năng bảo vệ con càng trở nên mạnh mẽ. Lúc này, với dòng suy nghĩ thông thường, nhiều cha mẹ hẳn sẽ muốn ngăn chặn mọi cơ hội tiếp xúc không khí lạnh. Ví dụ ủ quấn con kỹ hơn, ngưng cho con sử dụng máy lạnh.
Tuy nhiên, việc này lại không nên. Theo các chuyên gia về sức khỏe trẻ em, cha mẹ vẫn nên tiếp tục cho con dùng máy lạnh nếu có thể. Gia đình nào không có máy lạnh thì duy trì dùng các thiết bị làm mát có sẵn khác. Đương nhiên, cách sử dụng sẽ cần lưu ý điều chỉnh đôi chút để đảm bảo hiệu quả và an toàn cho sức khỏe của bé.
Quan điểm cho con nằm máy lạnh từ khi mới sinh mới xuất hiện gần đây, sau khi có những phát hiện mới về cơ thể trẻ. Do đó, nó vẫn khiến nhiều người hoang mang, lo lắng khi thực hiện. Vậy lời khuyên cho con nằm máy lạnh xuất phát từ cơ sở nào?
Khi vừa chào đời, trẻ chưa có khả năng tự điều hòa thân nhiệt. Vì thế, trẻ rất nhạy cảm, dễ bị ảnh hưởng bởi điều kiện môi trường. Nếu gặp gió lạnh, trẻ dễ bị viêm mũi họng, viêm phổi, trầm trọng hơn là giảm thân nhiệt. Ngược lại, trong điều kiện nóng bức, trẻ sẽ bị rôm sảy, nóng sốt. Chính vì thế, việc kiểm soát môi trường sống rất cần thiết cho con. Và điều hòa (máy lạnh) chính là thiết bị hữu hiệu và phổ biến nhất hiện nay để thực hiện nhiệm vụ này.
Đến đây, câu hỏi được đặt ra tiếp theo là cài đặt nhiệt độ cho con thế nào mới hợp lý? Việc xác định nhiệt độ sẽ dựa vào nhu cầu của con. Trong giai đoạn đầu đời, cơ thể con có tốc độ trao đổi chất cực lớn. Theo đó, lượng nhiệt sinh ra cao hơn người trưởng thành rất nhiều và cần được làm mát nhiều hơn. Vì thế, các bác sĩ thường sẽ khuyên cha mẹ cho con sơ sinh nằm máy lạnh ở 23 - 25 độ C và mặc áo quần mỏng nhẹ, thông thoáng. Hãy nhớ rằng trẻ không phải là một “người lớn thu nhỏ”, nên bạn không nên lấy cảm giác của mình để đánh giá. Môi trường bạn nghĩ là lạnh (nhất là những người lớn tuổi), lại có thể là môi trường trẻ cảm thấy dễ chịu nhất.
Mặc dù điều hòa là cần thiết để trẻ ngủ ngon, thoải mái. Nhưng điều hòa cũng là “con dao 2 lưỡi” nếu không được sử dụng hợp lý. Không thể phủ nhận nhiều trường hợp trẻ bị cảm lạnh, nghẹt mũi, ho, sốt khi nằm máy lạnh. Lý do là vì khả năng lưu thông khí ở phòng máy lạnh kém hơn bình thường, nên không khí dễ bị khô hơn (hơi nước mất đi trong quá trình làm lạnh không được bù đắp kịp thời). Trẻ còn nhỏ cơ quan chưa hoàn thiện, khả năng tiết nhầy bảo vệ chưa hoạt động tốt. Khi gặp không khí khô, niêm mạc mũi họng dễ bị khô, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Các chứng nghẹt mũi, viêm mũi, viêm họng, ho húng hắng, thở khò khè từ đó mà thành.
Ở giai đoạn đầu, biểu hiện bệnh của con sẽ là chảy nước mũi trong, hơi thở nặng, khò khè, ho nhẹ. Sau đó, tiếng ho dần trở nên rõ, xuất hiện đờm, nước mũi đặc và chuyển màu xanh/vàng, một số trẻ còn đi kèm sốt. Các triệu chứng ban đầu đều rất cơ bản, dễ điều trị mà không để lại di chứng nào đối với kiến thức y học hiện nay. Nhưng nếu không được hỗ trợ kịp thời, bệnh có thể phát triển nhanh thành viêm đường hô hấp dưới, trở thành viêm phế quản, viêm phổi. Các bệnh này không gây nguy hiểm nhưng cũng khá phiền phức vì bé sẽ quấy khóc, khó chịu, chán ăn. Nhiều trường hợp thậm chí còn chuyển sang mãn tính, ảnh hưởng cuộc sống trẻ về lâu dài.
Để ngăn những nguy cơ trên, cha mẹ hãy chú ý những dấu hiệu sau khi cho con nằm máy lạnh:
Nghẹt mũi: Con bị nghẹt từ 1 bên mũi, sau đó là 2 bên, phải thở bằng miệng. Bạn có thể phát hiện khi cho con bú, con không thể thở miệng thì tiếng khò khè rõ hơn.
Hắt hơi hoặc ho: Luồng khí lạnh từ máy có thể gây kích ứng, tạo phản xạ hắt hơi. Còn khi niêm mạc bị khô, họng bé đau rát, gây ho. Nếu bé hắt hơi/ho thường xuyên hoặc một tràng nhiều cái liên tục, cha mẹ cần chú ý.
Sổ mũi: Nước mũi lỏng trong, sau đó chuyển thành đặc, có màu. Dù ở giai đoạn nào, nước mũi cũng làm bé khó chịu.
Những thông tin nêu trên không nhằm mục đích làm cha mẹ sợ hãi máy lạnh. Ngược lại, chúng tôi muốn cha mẹ hiểu rõ yếu tố lợi - hại để hiểu được tầm quan trọng của việc dùng máy đúng cách. Dẫu sao, lợi ích cho sức khỏe và cảm giác thoải mái nhờ máy lạnh là không thể chối cãi. Nên cha mẹ hãy lưu ý những mẹo sau, nhất là khi dùng máy lạnh cho trẻ đang bị nghẹt mũi.
Đôi khi, các vấn đề như ho, nghẹt mũi không xuất phát từ nhiệt độ môi trường, mà chỉ từ một vài cơn gió “độc”. Vì vậy, cha mẹ luôn cần chắn gió cho con. Dù gia đình bạn dùng quạt hay máy lạnh thì cũng đều cần đảm bảo nguyên tắc không để gió thổi trực tiếp. Các thiết bị này chỉ để lưu thông không khí trong phòng và kiểm soát nhiệt độ nên cần đặt lệch khỏi vị trí nằm của bé. Nếu máy đã được lắp cố định ở đầu giường và không thể di chuyển, bạn hãy điều chỉnh cánh đảo gió để điều hướng hơi lạnh. Ít nhất, bạn không được để gió thổi vào các bộ phận như đầu, bụng, chân của bé.
Yếu tố vệ sinh luôn nắm giữ vai trò rất quan trọng. Nhất là với trẻ nhỏ có đề kháng chưa tốt và căn phòng thường xuyên đóng kín khi sử dụng máy lạnh. Để giúp trẻ cải thiện tình trạng nghẹt mũi, bạn nên loại sạch bụi bẩn li ti trong không khí. Cách làm là quét dọn phòng, giặt sạch chăn màn, rèm cửa và không quên vệ sinh máy lạnh. Vì lưới lọc trong máy có thể là nguồn phát tán vi khuẩn, bụi bẩn sau một thời gian dài sử dụng.
Khi trẻ đã được đủ tháng, cha mẹ nên điều chỉnh tăng nhiệt độ máy lạnh lên khoảng 25 độ C. Đương nhiên, đây là con số mang tính tham khảo vì mỗi máy sẽ có sức làm lạnh thực tế khác nhau. Cha mẹ có thể xác định nhiệt độ phù hợp bằng cách cho con mặc áo quần rộng thoáng bình thường, sau đó tăng dần nhiệt độ. Nếu con có dấu hiệu đổ mồ hôi tức là nhiệt độ đang nóng quá. Thông thường nhiệt độ cài đặt sẽ không vượt qua 28 độ C. Mức nhiệt phù hợp thì con sẽ dễ chịu, ngủ ngoan.
Mặc dù trẻ cần nhiệt độ ổn định, nhưng bạn cũng phải tập cho bé làm quen với môi trường bình thường. Nên khi đã đủ tháng, bạn nên cho bé hít thở, đi dạo ngoài trời vào sáng sớm hoặc chiều mát. Đây cũng là thời gian máy lạnh được nghỉ ngơi. Và phòng ở của bé cũng nên được mở cửa sổ để loại bỏ các khí tù động, ẩm mốc bên trong.
Trong không gian máy lạnh, con dễ bị mất nước hơn do bầu không khí khô. Vì vậy, cha mẹ nên nhỏ nước muối sinh lý cho con thường xuyên. Với trẻ bị nghẹt mũi, nước muối xinh lý còn có tác dụng làm loãng nước mũi và vệ sinh khoang mũi, giúp bé dễ chịu hơn.
Bên cạnh đó, hãy bảo vệ làn da bé bằng cách sử dụng các loại kem dưỡng ẩm dành riêng cho trẻ sơ sinh. Khi con ngủ, nên dùng tấm chăn mỏng đắp ngang bụng để hạn chế lỗ chân lông giãn nở. Tã cũng cần được kiểm tra thường xuyện và thay mới kịp thời, tránh cho bé bị lạnh.
Cuối cùng, con cần được cấp nước đầy đủ qua chế độ ăn hằng ngày. Nếu trẻ còn bú, mẹ hãy cho con bú đủ cử, đủ lượng. Với trẻ lớn, bạn hãy đảm bảo con uống đủ nước. Có thể thay nước lọc thành nước trái cây để con dễ uống hơn và đồng thời bổ sung vitamin hỗ trợ miễn dịch.
Với trẻ nhỏ, bạn không nên chủ quan mà tự ý dùng thuốc. Bởi việc dùng kháng sinh lung tung có thể gây lờn thuốc, khó khăn hơn cho việc điều trị trong tương lai. Thay vào đó, hãy luôn cho trẻ thăm khám cùng bác sĩ nếu bệnh đã kéo dài vài ngày. Như vậy, bạn an tâm mình và con nhận được lời khuyên hữu ích và đúng đắn nhất. Đương nhiên, ngoài việc dùng thuốc theo đúng chỉ định, bạn cũng cần phối hợp cùng bác sĩ trong cách chăm sóc con tại nhà.
Trên đây là tất cả thông tin chúng tôi muốn gửi đến bạn về vấn đề trẻ bị nghẹt mũi có nên nằm máy lạnh hay không. Mong rằng qua đó, bạn đã có hiểu biết toàn diện nhất để an tâm chăm sóc bé. Hãy theo dõi chúng tôi để tiếp tục nhận được những mẹo dụng máy lạnh hay nhé.