Điều hòa ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe của trẻ?
Điều hòa là thiết bị gia dụng rất hữu ích vì giúp tạo ra không gian sống dễ chịu cho gia đình. Tuy nhiên, sử dụng điều hòa ra sao để không ảnh hưởng đến sức khỏe lại là vấn đề đáng được mọi người quan tâm tìm hiểu, nhất là khi nhà có trẻ nhỏ. Sau đây, chúng ta hãy cùng xem điều hòa có thể gây ra những tác động gì lên cơ thể của trẻ.
Khi sử dụng điều hòa, trẻ được sống trong môi trường nhiệt độ lý tưởng và ổn định. Do đó trẻ sẽ cảm thấy thoải mái, vui vẻ, và ít bị đổ mồ hôi trộm hơn. Tuy nhiên, nếu vì thế mà bố mẹ lạm dụng điều hòa thì lại có thể làm hại đến sức khỏe của bé. Không ít trẻ mắc phải các bệnh như viêm mũi, viêm phổi, viêm phế quản là do quá trình sử dụng điều hòa không hợp lý như:
Để trẻ ở trong phòng lạnh quá thường xuyên, dẫn đến khô tuyến hô hấp, mất nước.
Không gian đóng kín như phòng điều hòa có khả năng tích tụ nhiều vi khuẩn gây hại cho bé.
Bé ít tiếp xúc không khí tự nhiên, ít vận động nên hệ miễn dịch kém, đề kháng giảm, thụ động, biếng ăn.
Như vậy, mặc dù lợi ích của điều hòa rất rõ ràng, bố mẹ vẫn nên kiểm soát thời gian và cách thức sử dụng. Phân bổ thời gian tránh nóng bằng điều hòa và vận động, vui chơi ngoài trời hợp lý thì mới tốt cho sức khỏe trẻ.
Sốt là phản ứng tự nhiên khi cơ thể chống lại sự xâm nhiễm của vi khuẩn, virus lạ. Khi trẻ bị sốt, nhiệm vụ của bố mẹ là lập tức hạ sốt bằng nhiều cách khác nhau. Trong đó bao gồm thay cho con quần áo rộng rãi, thoáng mát, lau người bằng nước ấm để làm mát cơ thể an toàn, giúp bé nghỉ ngơi tốt, nhanh khỏi bệnh. Vậy thì dùng điều hòa để tạo nhiệt độ có lợi vào lúc này cũng là việc hợp lý.
Sử dụng điều hòa giúp bố mẹ kiểm soát yếu tố nhiệt độ, loại bỏ nỗi lo về những cơn gió độc có thể tấn công khi cơ thể con suy yếu nhất.Tuy nhiên, việc sử dụng điều hòa vào lúc này cũng có những lưu ý nhất định. Bố mẹ càng cần biết để tránh làm hại sức khỏe của con thêm.
Thân nhiệt của trẻ vốn nhạy cảm hơn người lớn vì trung tâm điều nhiệt chưa hoàn thiện. Khi trẻ bị sốt, hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm càng bị căng thẳng. Do đó, việc hạ sốt phải được thực hiện đúng, tránh làm cơ thể sốc hơn khi bị thay đổi nhiệt độ đột ngột. Song song với việc dùng khăn ấm để lau người, bố mẹ dùng điều hòa thì chỉ nên cài đặt mức nhiệt từ 27 - 29 độ C. Mức nhiệt này khiến người bình thường cảm thấy nóng, nhưng lại vừa phải với trẻ đang bị sốt
Cùng với nước chườm ấm, mức nhiệt này giúp lỗ chân lông và mạch máu giãn nở, tăng khả năng tản nhiệt tự nhiên. Như vậy, trẻ sẽ được làm mát từ bên trong nên hạ sốt nhanh hơn. Đồng thời, nhiệt độ ấm nhẹ giúp lớp nước chườm giữ nhiệt lâu hơn, tạo cảm giác dễ chịu hơn khi tiếp xúc với trẻ.
Khi trẻ bị sốt, bố mẹ cần loại bỏ hết các luồng gió thổi vào người con. Quạt trần tạo gió mạnh từ trên áp xuống là không nên sử dụng. Quạt máy cũng cần hạn chế. Nếu bắt buộc dùng quạt thì nên mở số nhỏ, để quạt từ xa và tránh hướng thẳng đến nơi trẻ nằm, đồng thời mở cửa để tạo dòng lưu thông không khí.
Trong trường hợp này, quạt điều hòa là lựa chọn tốt hơn vì được lắp xa (trên tường cao) và có thể kiểm soát hướng tỏa gió. Phụ huynh nên điều chỉnh hướng gió lên cao nhất và giảm cường độ quạt xuống thấp nhất. Như vậy, vừa có thể tạo ra sự lưu thông không khí trong phòng, vừa giúp nhiệt độ tản đều và tiếp xúc nhẹ nhàng với con.
Ngoài ra, cách điều chỉnh hướng gió này cũng nên được áp dụng trong ngày thường, để hạn chế nguy cơ đau họng, khô mũi, cảm ho khi gió thốc thẳng vào mặt ngực và lưng con.
Dù trẻ đang cần được ưu tiên làm mát thì bố mẹ cũng không nên để trẻ nằm trong phòng lạnh 24/24. Giữ kín phòng quá lâu sẽ khiến không khí bên trong bị tù đọng. Việc này chắc chắn càng không có lợi với sức khỏe và hệ hô hấp.
Thay vào đó, bố mẹ vẫn nên giữ lịch dùng điều hòa tiêu chuẩn. Đó là tắt máy ít nhất 2 lần mỗi ngày, mở cửa phòng để không khí được trao đổi. Bố mẹ có thể kết hợp quạt để xua khí tù đọng nhanh hơn. Nhưng hãy nhớ nguyên tắc trước đó, tránh để quạt hướng vào người trẻ. Không gian thông thoáng, tươi mới cũng sẽ giúp trẻ bị sốt cảm thấy dễ chịu hơn.
Khi bị sốt, trẻ tốt nhất nên nghỉ ngơi trong phòng. Nhưng đôi khi, vẫn khó tránh trường hợp bố mẹ bắt buộc phải đưa con ra khỏi phòng. Nếu cứ thế thay đổi đột ngột môi trường thì sự chênh lệch nhiệt độ sẽ ảnh hưởng xấu đến bệnh trạng của con. Nên những lúc như thế, bố mẹ càng phải thực hiện quy tắc 3 Phút.
Nếu bố mẹ chưa biết thì đây là quy tắc giúp bé làm quen với nhiệt độ bên ngoài, hạn chế nguy cơ sốc nhiệt. Cách thực hiện rất đơn giản. Bố mẹ chỉ cần mở cửa phòng và cho trẻ nghỉ ngơi ở gần cửa trong ít nhất 3 phút. Ở đây, nhiệt độ điều hòa và nhiệt độ bên ngoài giao thoa với nhau, tạo ra một “vùng đệm” để cơ thể trẻ thích nghi dần. Sau đó, bố mẹ có thể an tâm đưa trẻ ra ngoài.
Ngược lại, trước khi đưa trẻ từ ngoài vào phòng lạnh, bố mẹ cũng cần thực hiện tương tự: mở cửa phòng và cho con nghỉ ở “vùng đệm” ít nhất 3 phút rồi mới đóng cửa.
Khi trẻ bệnh, đề kháng suy yếu càng là cơ hội để vi khuẩn tán công. Vì thế, bố mẹ càng cần chú ý vấn đề vệ sinh, lau dọn phòng thường xuyên, giặt giũ, phơi phóng chăn màn để loại bỏ mọi mầm bệnh tích tụ. Bên cạnh đó, điều hòa cũng cần được vệ sinh, nhất là sau mùa đông hoặc thời gian dài chưa sử dụng. Hãy làm sạch lưới lọc, quạt và dàn tản nhiệt để tránh nấm mốc, vi khuẩn đang lưu trú trong máy theo luồng gió thổi ra mà phát tán khắp phòng.
Sử dụng điều hòa cũng sẽ làm khô không khí, dẫn đến khô da, khô mũi của con. Để cân bằng lại, bố mẹ hãy kết hợp máy tạo độ ẩm, hoặc đơn giản là đặt một chậu nước trong phòng để có thêm lượng nước bốc hơi. Bên cạnh đó, con đương nhiên phải được uống đủ nước để làm mát cơ thể. Những lúc thế này, nước chanh chứa vitamin C sẽ là ưu tiên vì hỗ trợ tăng đề kháng cho con.
Ngoài những lưu ý về cách sử dụng điều hòa đúng bên trên, phụ huynh cũng cần thực hiện các thao tác chăm sóc khác để con nhanh hồi phục. Sau đây là một số hướng dẫn từ bác sĩ mà bạn nên thực hiện theo:
Thường xuyên dùng nước muối sinh lý để nhỏ mắt, mũi cho bé. Nước muối sinh lý rất an toàn nên bạn có thể an tâm về liều lượng dùng trong ngày, giúp giữ độ ẩm cho lớp niêm mạc.
Cho con uống nhiều nước. Nếu trẻ còn bú thì mẹ cần cho bé bú nhiều lần.
Khi trẻ ngủ, bố mẹ cho trẻ mặc áo quần thoáng mát, thấm hút tốt và đắp chăn mỏng ngang bụng. Tránh quấn con quá kín vì như vậy con sẽ bị nóng. Ngoài khó hạ nhiệt, con còn bị đổ mồ hôi trộm dễ dẫn đến các bệnh hô hấp mãn tính về sau.
Cho bé ăn nhiều thực phẩm có tính mát, như rau củ, trái cây để tăng hiệu quả giải nhiệt, khôi phục sức đề kháng.
Thường xuyên thăm chừng, đảm bảo con không đổ mồ hôi trộm.
Chọn áo quần bằng vải cotton thoáng khí và thay tã thường xuyên, tránh tã ướt làm bé bị lạnh.
Cho trẻ tắm nắng, hít thở không khí tự nhiên mỗi ngày.
Bổ sung vitamin và khoáng bằng đa dạng các loại thực phẩm tự nhiên
Việc bổ sung vi chất hoặc sử dụng thuốc phải thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ.
Trên đây là lời đáp đầy đủ cho câu hỏi trẻ bị sốt có nên nằm điều hòa không. Mong rằng qua đó, bố mẹ đã biết thêm mẹo sử dụng điều hòa hữu ích để chăm sóc và bảo vệ con tốt hơn. Chúc những trẻ đang bị sốt sẽ chóng khỏi bệnh và trở lại vui vẻ, năng động nhờ vào những thông tin hữu ích này.