Nguyên nhân máy lạnh bị nhảy CB (Aptomat)

  • 15/01/2024
Máy lạnh khi gặp bất cứ lỗi nào cũng sẽ gây ảnh hưởng đến nhiệm vụ làm mát. Trong đó, nếu gặp lỗi làm nhảy CB thì trải nghiệm người dùng sẽ lập tức bị gián đoạn. Thậm chí gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến mạng lưới điện gia đình. Cùng tìm hiểu những nguyên nhân máy lạnh bị nhảy CB (Aptomat).

CB máy lạnh là gì? Nó đảm nhiệm chức năng gì?

CB máy lạnh là gì?

CB (Circuit Breaker) hay còn gọi là Aptomat là một thiết bị bảo vệ quan trọng trong hệ thống điện. Nó có chức năng bảo vệ hệ thống và thiết bị điện khi có sự cố bất ngờ xảy ra. Với những thiết bị điện có công suất lớn, giá trị cao, tiêu thụ nhiều điện năng khi hoạt động như máy lạnh, CB càng có ý nghĩa quan trọng. Nó sẽ giúp hạn chế tối đa nguy cơ hư hỏng thiết bị, giúp tiết kiệm chi phí và bảo đảm sự an toàn cho người dùng.

Sở dĩ, CB thực hiện được nhiệm vụ ấy là nhờ có cấu tạo đặc biệt với tiếp điểm và hồ quang. Ở trạng thái đóng mạch bình thường, tiếp điểm hồ quang đóng lại đầu tiên, sau đó đến tiếp điểm phụ (nếu có) và tiếp điểm chính. Mạch lúc này là mạch kín, cho phép dòng điện đi qua và vận hành thiết bị. Khi ngắt mạch thì các tiếp điểm lần lượt mở ra theo thứ tự ngược lại. Nhờ đó, khi sự cố điện xảy ra, CB lập tức phản ứng, không cho dòng điện tiếp tục đi qua. Nếu có cháy thì chỉ cháy trên tiếp điểm hồ quang, tiếp điểm chính vẫn được bảo vệ. Loại CB có tiếp điểm phụ thì càng tránh được việc hồ quang cháy lan vào tiếp điểm chính.

Nguyên nhân máy lạnh bị nhảy CB (Aptomat) - Tin tức

Các chức năng chính của CB máy lạnh?

Dưới đây là một số chức năng cụ thể của CB trong máy lạnh:

  • Bảo vệ quá tải: CB có khả năng phát hiện và ngắt mạch khi dòng điện vượt quá giới hạn cho phép trong hệ thống máy lạnh. Điều này giúp bảo vệ các linh kiện và dây điện khỏi hư hỏng do quá tải.

  • Bảo vệ ngắn mạch: CB ngắt mạch ngay lập tức khi xảy ra ngắn mạch trong hệ thống điện. Ngắn mạch là một hiện tượng khi dây điện bị kết nối trực tiếp, gây ra dòng điện cao và nguy hiểm. CB sẽ ngăn chặn ngay lập tức để bảo vệ hệ thống và ngăn ngừa nguy cơ cháy nổ hay hỏa hoạn.

  • Điều khiển và cắt nguồn: CB cũng có thể được sử dụng để điều khiển và cắt nguồn điện cho máy lạnh. Khi phải thực hiện bảo trì, kiểm tra hoặc sửa chữa, CB có thể được sử dụng để tắt nguồn điện an toàn cho hệ thống máy lạnh.

  • Tái kích hoạt khi sự cố đã qua đi: Một số loại CB có khả năng hoạt động đáng tin cậy và có thể tự động đóng mạch trở lại sau khi xảy ra sự cố, nhưng chỉ khi nguyên nhân gây ra sự cố đã được khắc phục. Như vậy, thiết bị có thể tái hoạt động mà không cần người dùng chủ động điều khiển

Như vậy, khi CB máy lạnh hoạt động tốt, bạn yên tâm thiết bị đắt tiền mà bạn đầu tư để nâng cấp không gian sống gia đình sẽ hạn chế được nguy cơ hư hỏng đáng tiếc. 

Những hậu quả có thể có khi máy lạnh bị nhảy CB?

Khi máy lạnh bị nhảy CB tức là dòng điện đã có vấn đề và không còn an toàn cho thiết bị. Vì vậy, chắc chắn cảm giác mát lạnh mà bạn và gia đình đang tận hưởng sẽ lập tức bị gián đoạn. Nhưng đó có thể chưa phải là tác hại duy nhất. Cùng xem một số hậu quả có thể xảy ra khi CB nhảy:

  • Mất cảm giác làm mát: Khi CB nhảy và ngắt nguồn điện cho máy lạnh, máy sẽ tắt ngay lập tức. Điều này dẫn đến việc mất chức năng làm mát và bạn không thể sử dụng máy lạnh cho đến khi CB được tái kích hoạt hoặc sự cố được khắc phục.

  • Không ổn định và giảm tuổi thọ máy lạnh: Mặc dù CB ngắt giúp bảo vệ thiết bị nhưng nếu tình trạng này liên tục xảy ra mà không có hướng xử lý dứt điểm, dòng điện không ổn định vẫn sẽ làm giảm tuổi thọ của các linh kiện điện tử bên trong. Lâu dần dẫn đến suy giảm hiệu suất hoạt động và các hư hỏng nghiêm trọng khác.

  • Hỏng thiết bị khác: CB nhảy đột ngột gây ra dao động điện áp và dòng điện. Như vậy, những thiết bị khác sử dụng cùng dòng điện trong nhà với máy lạnh có thể bị ảnh hưởng. Đó là lý do những thiết bị công suất lớn như điều hòa nên được sử dụng riêng nguồn điện.

  • Rủi ro hỏa hoạn: Nếu máy lạnh bị nhảy CB do nguyên nhân ngắn mạch hoặc sự cố điện khác, có thể có nguy cơ cháy nổ hoặc hỏa hoạn ở các vị trí khác trong hệ thống điện. Điều này đe dọa an toàn của ngôi nhà hoặc tòa nhà.

  • Mất thời gian và chi phí sửa chữa: Khi máy lạnh bị nhảy CB, sẽ cần thời gian và chi phí để xác định nguyên nhân và khắc phục sự cố. Điều này có thể gây phiền toái và tốn kém cho gia chủ sở hữu máy lạnh.

Nguyên nhân máy lạnh bị nhảy CB (Aptomat)

Điện nguồn yếu

Khi điện cấp quá yếu không đủ cho hoạt động bình thường của máy lạnh, thì để bảo vệ máy, CB sẽ nhảy. Bạn có thể xác định nguyên nhân này nếu thấy điều hòa vừa chạy được khoảng 15 phút thì nhảy CB.

Quá tải điện

Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến hiện tượng máy lạnh bị nhảy CB (aptomat). Khi máy tiêu thụ năng lượng quá cao, vượt quá khả năng của CB, như khi máy phải duy trì công suất lớn trong thời gian dài để đối phó với nhiệt độ môi trường cao, hoặc người dùng cài đặt mức nhiệt độ quá thấp.

Nguyên nhân máy lạnh bị nhảy CB (Aptomat) - Tin tức

Chạm điện, chập điện

Mạch điện ẩm ướt sau một thời gian không sử dụng, hoặc côn trùng, chuột bọ phá hoại đều có thể sinh ra chạm mạch ở một vị trí nào đó. Ngoài ra, thao tác lắp đặt, chọn lựa vị trí không phù hợp cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động máy lạnh, và nhảy CB chính là cơ chế tự bảo vệ của máy.

Lỗi dây điện nguồn

Khi điện nguồn không có vấn đề mà CB máy lạnh vẫn nhảy, bạn nên kiểm tra đến dây điện nguồn. Có thể chúng đang bị quá tải, chập điện hoặc đường dây sau aptomat cấp đã bị hỏng.

Lỗi ở quạt dàn nóng/dàn lạnh

Bên cạnh các sự cố từ bên ngoài, những vấn đề bên trong hệ thống máy lạnh cũng có thể gây ra việc nhảy CB (aptomat). 

Đầu tiên là ở bộ phận quạt máy lạnh. Nếu quạt dàn lạnh bị chập, bạn sẽ thấy máy lạnh bị nhảy CB (aptomat) ngay sau vài dây. Còn nếu quạt dàn nóng hoặc tụ quạt dàn nóng có vấn đề, hiện tượng này có thể chậm hơn, sau vài phút.

Lỗi kết nối dây giữa dàn nóng và dàn lạnh

Khi dây nối từ dàn lạnh ra dàn nóng bị hỏng, như hở mạch, quá tải, máy lạnh sẽ chập điện và ngắt/đóng aptomat liên tục sau mỗi 5-7 phút. 

Lỗi ở tụ máy lạnh

Tụ máy lạnh bị chập thì dòng điện cấp cho block sẽ rò rỉ, khiến quạt máy lạnh chạy nhưng block thì không hoặc ngược lại, cuối cùng là nhảy CB.

Lỗi ở block máy lạnh

Khi block bị hỏng và bị ăn dòng thì aptomat sẽ tự nhảy sau mỗi 3-5 phút để bảo vệ máy. Tuy nhiên, cũng có khi CB nhảy do block bị kẹt. Nếu vậy, bạn có thể sẽ nghe âm thanh lạ.

Bơm thừa gas làm lạnh

Đây là nguyên nhân phổ biến nhất, xảy ra khi thợ điều hòa thiếu kinh nghiệm hoặc không tuân thủ quy định kỹ thuật khi nạp gas cho khách. Lỗi này không gây nhảy CB ngay, máy sau khi nạp gas vẫn hoạt động bình thường. Nhưng khi nhiệt độ đã tăng đến khoảng 40oC thì CB sẽ nhảy.

Aptomat bị hỏng

Cuối cùng, máy lạnh bị nhảy CB (Aptomat) có thể xảy ra do chính bản thân CB bị hỏng.

Hướng dẫn khắc phục lỗi máy lạnh bị nhảy CB (Aptomat)

Điện nguồn yếu

Bạn hãy kiểm tra lại đồng hồ điện nhà mình xem có đủ như yêu cầu của máy lạnh hay không. Các loại máy lạnh tại thị trường Việt Nam cần dùng điện 220 - 240V. Nếu điện áp nguồn không thể đáp ứng, bạn sẽ cần trang bị thêm bộ biến tần để chuyển đổi tần số điện, hoặc ổn áp để ổn định dòng điện cấp cho máy lạnh. Có như vậy, vấn đề nhảy Aptomat sau thời gian hoạt động ngắn mới được giải quyết.

Quá tải điện

Đa phần trường hợp này xảy ra vào mùa cao điểm, nhu cầu sử dụng tăng lên vượt quá khả năng máy. Lúc này, bạn buộc phải cho máy nghỉ ngơi trong vài giờ mới sử dụng lại được. Bên cạnh đó, bạn cũng cần xem xét lại cách thức sử dụng của gia đình mình để ngăn tình trạng này lặp lại. Một số lời khuyên dành cho bạn là:

  • Cài đặt mức nhiệt độ phù hợp, không quá thấp so với môi trường

  • Không lạm dụng điều hòa, hãy cho máy được nghỉ ngơi khi trời đã dịu mát

  • Giảm các thiết bị tiêu thụ điện không cần thiết khác trong nhà

  • Vệ sinh bảo dưỡng máy lạnh đầy đủ trước, trong và sau mỗi mùa cao điểm.

Chạm điện, chập điện

Hãy dùng bút thử điện để dò tìm vị trí rò rỉ. Công việc này có thể khá khó với người không chuyên, nên bạn nên liên hệ thợ điều hòa chuyên nghiệp để tiết kiệm thời gian và công sức.

Nguyên nhân máy lạnh bị nhảy CB (Aptomat) - Tin tức

Lỗi dây điện nguồn

Với lỗi dây điện, bạn chỉ cần thay dây khác và khởi động lại thử xem máy lạnh đã hoạt động ổn định lại được chưa.

Lỗi ở quạt dàn nóng/dàn lạnh

Nếu lỗi xảy ra ở linh kiện, như quạt dàn nóng và dàn lạnh, bạn nên liên hệ trung tâm bảo hành của hãng. Hãy kiểm tra xem thiết bị của bạn còn trong thời hạn bảo hành miễn phí hay không? Nếu còn, bạn không chỉ an tâm thiết bị sẽ nhanh chóng được sửa chữa đúng cách mà còn không phải lo về vấn đề chi phí.

Lỗi kết nối dây giữa dàn nóng và dàn lạnh

Nếu dây nối bị đứt, bạn thực hiện nối lại. Còn nếu dây bị hư hỏng thì hãy thay dây mới là xong. Loại dây điện này rất dễ tìm mua. Nhưng nên nhớ, tất cả thao tác sửa chữa, thay thế linh kiện điều hòa chỉ nên thực hiện nếu bạn có đủ kỹ thuật và thiết bị đã hết hạn bảo hành theo quy định của hãng.

Lỗi linh kiện: tụ máy lạnh, block máy lạnh, gas máy lạnh

Hãy liên hệ cho hãng hoặc thợ máy lạnh mình tin cậy để kiểm tra và sửa chữa.

Aptomat bị hỏng

Nếu aptomat hỏng, bạn cần thay mới.

 
Hỗ trợ khách hàng
Bài viết khác
zalo-img.png