Nếu vệ sinh điều hòa là làm sạch bụi bẩn bên ngoài và bên trong máy, thì bảo dưỡng còn bao gồm nhiệm vụ kiểm tra lỗi, đảm bảo tất cả bộ phận trong máy hoạt động tốt nhất. Việc bảo dưỡng phức tạp hơn, tỉ mỉ hơn và cần đến kiến thức chuyên môn. Chính vì thế, người dùng có thể tự mình vệ sinh điều hòa, nhưng vẫn sẽ cần đến các thợ điện lạnh để định kỳ bảo dưỡng.
Có thể thấy rằng vai trò của các thợ điện lạnh và việc bảo dưỡng rất quan trọng. Qua các bước kiểm tra, thợ điện lạnh có thể phát hiện được những lỗi hoặc nguy cơ tiềm ẩn để chủ động xử lý. Thêm vào đó, quá trình kiểm tra chi tiết còn cho phép thợ điện lạnh vệ sinh điều hòa triệt để hơn, loại bỏ rác bẩn những vị trí mà người dùng thường bỏ sót. Nên bảo dưỡng sẽ mang lại hiệu quả rõ ràng hơn và mức độ đảm bảo cao hơn.
Số lượng hộ gia đình sử dụng điều hòa ngày càng nhiều. Theo đó, nhu cầu bảo dưỡng dòng máy treo tường ngày càng cao. Nếu làm tốt quy trình bảo dưỡng điều hòa treo tường, thợ điều hòa có thể thành công thuyết phục người dùng về mức độ cần thiết của dịch vụ. Từ đó, hình thành cho người dùng thói quen thuê bảo dưỡng máy 1-2 lần mỗi năm. Hiện nay, giá bảo dưỡng cho 1 bộ điều hòa tại HCM rơi vào khoảng 200.000 - 250.000 đồng. Nhu cầu bảo dưỡng lại thường diễn ra trước và sau mỗi mùa cao điểm. Như vậy, đây sẽ là nguồn kiếm thêm rất hấp dẫn, giúp thợ điện lạnh ổn định khoảng thu nhập hàng tháng của mình.
Để quy trình bảo dưỡng điều hòa treo tường diễn ra suôn sẻ, mang lại hiệu quả tốt nhất và thể hiện sự chuyên nghiệp, thợ điện lạnh sẽ cần chuẩn bị đầy đủ dụng cụ cần thiết trước khi di chuyển đến địa điểm làm việc. Sau đây là một số dụng cụ cơ bản:
Cờ lê, tua vít: Dùng để tháo và lắp lại các ốc và bulong trong quá trình bảo dưỡng.
Máy đo nhiệt độ: Dùng để kiểm tra và điều chỉnh nhiệt độ trong máy lạnh.
Bút đo điện: Dùng để kiểm tra dòng điện và các mạch điện trong máy lạnh.
Đồng hồ đo áp suất: Dùng để kiểm tra và điều chỉnh áp suất trong hệ thống nước và gas của máy lạnh.
Bình xịt hơi: Dùng để làm sạch các bộ phận bên trong máy lạnh bằng hơi nén.
Dung dịch làm sạch chuyên dụng: Dùng để làm sạch bên trong và ngoài máy lạnh như quạt, bộ trao đổi nhiệt và ống dẫn nước/gas, vỏ máy mà không làm ăn mòn hay ảnh hưởng hiệu suất.
Dầu bôi trơn: Dùng để bôi trơn các bộ phận chuyển động trong máy lạnh để đảm bảo hoạt động êm ái và hiệu quả.
Phụ kiện thay thế: Trong quá trình bảo dưỡng, các con ốc nhỏ có thể bị bạn làm thất lạc hoặc hư hỏng (nếu đã quá cũ). Do đó, hãy trang bị sẵn 1 số phụ kiện như ốc, ron, đai có kích thước thường gặp để thay ngay khi cần thiết. Ngoài ra, cũng đừng quên trữ sẵn ít dây điện, băng keo điện, và các vật dụng thông dụng tương tự.
Nếu tốt hơn, bạn có thể thu thập trước các thông tin để dự đoán điều hòa có đang bị hư hỏng gì không mà dự phòng sẵn linh kiện thay thế.
Bảo dưỡng điều hòa treo tường sẽ gồm 2 nhóm việc chính như sau.
Bước này nhằm đảm bảo rằng máy lạnh hoạt động ổn định với hiệu suất tối ưu. Các thông số quan trọng cần được kiểm tra và điều chỉnh bao gồm:
Áp suất gas và nhiệt độ: Trước tiên, thợ điện lạnh sẽ sử dụng thiết bị đo nhiệt độ để kiểm tra xem máy hoạt động có chuẩn không. Trong trường hợp nghi ngờ hiệu suất hoạt động, thợ sẽ tiếp tục đo áp suất gas và dò tìm nguyên nhân gây rò rỉ (nếu có). Khắc phục rò rỉ là điều tiên quyết để máy làm lạnh tốt và tiết kiệm điện.
Tốc độ quạt: Tốc độ quạt ảnh hưởng trực tiếp đến lưu lượng không khí và hiệu suất làm mát của máy lạnh. Thợ điện lạnh sẽ kiểm tra động cơ quạt và điều chỉnh nếu cần thiết, đảm bảo công suất thiết kế và giúp máy lạnh làm việc êm ái.
Hướng gió: Đây là bước kiểm tra cánh đảo gió, đảm bảo rằng các khớp bình thường để máy có thể điều hướng đúng theo cài đặt của người dùng. Máy đảo hướng gió tốt sẽ đem lại cảm giác thoải mái hơn khi sử dụng.
Kết nối điện: Thợ kiểm tra tính toàn vẹn của dây điện và các điểm kết nối để đảm bảo không có nguy cơ nào về an toàn điện.
Quá trình kiểm tra và điều chỉnh các thông số này đòi hỏi thợ điện lạnh sử dụng các công cụ đo lường chính xác và hiểu rõ về công nghệ hoạt động của máy lạnh để thực hiện đúng kỹ thuật. Nếu phát hiện bất kỳ vấn đề nào trong quá trình kiểm tra, thợ điện lạnh cần báo cáo cho khách hàng và thực hiện điều chỉnh và sửa chữa để đảm bảo máy lạnh hoạt động một cách tối ưu.
Bộ lọc không khí: Bộ lọc không khí là lớp cản bụi đầu tiên, nằm ngay sau cửa hút dàn lạnh và che phủ dàn ống đồng. Ở đây thường đọng nhiều bụi, lông thú cưng và các mảng tạp chất do chất bẩn sinh hoạt thường ngày tích tụ. Thợ điện lạnh sẽ tháo bộ lọc, hút bằng máy hút bụi và rửa sạch bằng nước và dung dịch vệ sinh. Trong trường hợp lưới lọc bị rách, lủng, thợ có thể đề xuất người dùng thay thế.
Ống thoát nước: Trong quá trình hoạt động, ống thoát nước có thể bị tắc nghẽn do bụi hoặc các dị vật lớn từ bên ngoài (sỏi đá, lá cây, xác động vật). Tuy nhiên, ống nước lại là nơi người dùng dễ bỏ qua. Nên lúc này, thợ điện lạnh nhất thiết cần kiểm tra và loại bỏ tất cả dị vật. Nếu cần thiết, thợ điện lạnh cũng có thể thay đổi vị trí đầu thoát hoặc tháo rời để thay mới.
Quạt và các bộ phận quạt: Quạt làm nhiệm vụ tạo dòng luân chuyển. Quạt ở dàn lạnh sẽ đưa khí lạnh vào phòng để tránh dàn bị đóng băng. Quạt tại dàn nóng thì đẩy hơi nóng ra xa để cân bằng nhiệt độ hệ thống. Khi làm sạch quạt, thợ sử dụng chổi, bàn chải và hút bụi, đảm bảo quạt hoạt động một cách hiệu quả, tránh phát sinh tiếng ồn không mong muốn.
Bộ trao đổi nhiệt: Bộ trao đổi nhiệt chính là dàn ống đồng, nơi truyền nhiệt giữa không khí và chất làm lạnh. Bộ trao đổi nhiệt có thể bị bám ẩm, nấm mốc nên thợ điện lạnh sẽ cần làm sạch bề mặt của nó để ngăn phát sinh mùi hôi.
Vỏ máy: Sau khi làm sạch các linh kiện, thợ đương nhiên phải vệ sinh mặt nạ và khung dàn nóng để trả lại thiết bị sạch đẹp cho người dùng
Đây là những biện pháp và lời khuyên giúp đảm bảo an toàn cho thợ điện lạnh và hiệu quả cho quy trình bảo dưỡng điều hòa treo tường:
Đảm bảo an toàn lao động: Thợ điện lạnh cần là người có ý thức tuân thủ quy tắc an toàn lao động cao nhất để bảo vệ chính bản thân và người khác. Việc này thể hiện qua việc luôn sử dụng đồ bảo hộ đầy đủ và không được thực hiện công tác nếu không có thiết bị an toàn chuyên dụng. Đừng nhầm lẫn giữa lòng nhiệt tình với sự liều mạng. Nếu xảy ra bất kỳ sự cố nào trong quá trình bảo dưỡng, thợ điện lạnh nên ngừng công việc và tìm sự giúp đỡ từ các chuyên gia hoặc nhà sản xuất.
Hiểu rõ công cụ của mình và luôn dùng chúng đúng cách: Từ thiết bị bảo hộ đến các loại dụng cụ khác như đồng hồ áp suất, máy hút chân không… bạn đều nên sử dụng chúng đúng kỹ thuật. Không chỉ giúp chúng giữ độ bền, mà quan trọng hơn là để đảm bảo mục đích sử dụng của bạn. Tránh những trường hợp sai sót, chấn thương xuất phát từ những hỏng hóc không cần thiết.
Tuân thủ hướng dẫn từ nhà sản xuất: Mỗi loại máy lạnh có thể có các yêu cầu và quy trình bảo dưỡng đặc biệt từ nhà sản xuất. Thợ điện lạnh dù nhiều kinh nghiệm cũng nên đọc qua để tuân thủ hướng dẫn từ nhà sản xuất, đảm bảo quy trình bảo dưỡng điều hòa treo tường được thực hiện đúng cách và an toàn.
Phản hồi về cách sử dụng của khách hàng: Sau khi kiểm tra, thợ điện lạnh có thể phát hiện những vấn đề xuất phát từ lỗi sử dụng. Vậy nên trước khi kết thúc dịch vụ, bạn nên cung cấp lời khuyên hữu ích cho khách hàng. Việc tương tác này ngoài việc giúp khách hàng vận hành máy hiệu quả hơn còn có tác dụng tăng độ hài lòng đối với dịch vụ bảo dưỡng của bạn.
Trên đây là những chia sẻ về quy trình bảo dưỡng điều hòa treo tường mà chúng tôi muốn đặc biệt gửi đến thợ điện lạnh. Mong rằng bài viết đã cung cấp cho bạn nhiều thông tin và gợi ý hữu ích. Nếu cần được hỗ trợ về SK Sumikura trong quá trình làm việc, đừng ngại liên hệ ngay. Đội ngũ kỹ thuật SK luôn sẵn sàng đồng hành cùng bạn.